Bạn đã biết cách chọn su hào tươi ngon chưa? Hãy cùng tìm hiểu cách chọn su hào sao cho chất lượng, đảm bảo an toàn. Để từ đó bạn có thể nấu những món ngon mà còn đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình thân yêu của mình.


Cách chọn su hào tươi ngon

Cách chọn su hào dựa vào hình dáng

Su hào ngon thường sẽ có kích thước củ từ nhỏ đến trung bình. Theo kinh nghiệm của những nông dân trồng su hào, những củ có kích thước ngon thường từ 7 đến 9cm. Khi cầm củ su hào trên tay bạn sẽ cảm thấy nặng, chắc và không bị mềm

Cách chọn su hào ngon dựa vào màu sắc

Khi mua su hào bạn nên chọn những củ có màu xanh nhạt và tươi, không có các vệt xanh bầm. Nên chọn củ còn nguyên vẹn, không dập, khi ngửi sẽ không nghe mùi thối hoặc mùi hóa chất.

Nếu thấy vỏ su hào quá láng bóng, màu sắc đậm một cách bất thường thì có thể đã bị tẩm hóa chất và thuốc kích thích tăng trưởng độc hại.

Cách chọn su hào dựa vào cuống củ

Khi mua bạn nên kiểm tra cuống củ su hào cẩn thận. Nếu phần cuống trên lá còn xanh mướt, dính chặt vào củ thì đó là những củ tươi, bạn có thể mua.

Ngược lại, củ không có cuống và lá thì bạn không nên mua vì có thể là su hào của Trung Quốc đã để héo lâu, mất hết chất dinh dưỡng.

Cách chọn su hào dựa vào mùi vị

Su hào tươi ngon khi ăn sẽ có vị giòn và ngọt. Nước luộc su hào sẽ trong vắt và không xuất hiện đóng váng trên bề mặt nước.

Su hào có tẩm hóa chất hoặc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, khi chế biến sẽ không còn mùi thơm. Khi ăn sẽ nhiều xơ, mềm, tiết ra nhiều nước màu trắng đục. Khi để nước luộc nguội thì sẽ có màu xanh đen, đóng váng trên bề mặt.

Đối với những củ su hào đã gọt vỏ sẵn bạn không nên mua vì đa số được ngâm hóa chất. Ngoài ra, khi gọt vỏ su hào sẵn sẽ làm mất vitamin, giảm chất lượng của củ.

Su hào tươi, không hóa chất sẽ bảo quản được 2 đến 3 ngày trong tủ lạnh. Ngược lại, su hảo để càng lâu hư thì đó có nguy cơ đã ngâm chất bảo quản, hóa chất độc hại.

Su hào có thể chứa goitrogens, các hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải bắp như bông cải, súp lơ… có thể gây sưng tuyến giáp. Vì thế, những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp nên hạn chế dùng su hào. 

Khi chế biến su hào thành đồ uống, bạn nên rửa rồi ngâm qua nước muối loãng. Bạn có thể kết hợp su hào với các loại trái cây khác để dễ uống hơn.

Cách bảo quản su hào tươi lâu

Bảo quản su hào tươi

Sau khi mua su hào về, bạn cho vào trong bọc ni lông hoặc hũ thủy tinh kín, đậy lại và bảo quản ở nơi khô ráo, tránh để gần nơi ẩm ướt sẽ làm su hào bị mềm và dễ hư mốc. 

Ngoài ra, để bảo quản lâu hơn bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này có thể bảo quản su hào được 2 đến 3 ngày mà không mất chất dinh dưỡng.

Bảo quản su hào khô

Su hào sau khi mua về, bạn tiến hành sơ chế thành lát dày khoảng 1/2 lóng tay theo chiều dọc, sau đó xếp các lát này lại rồi cắt thành sợi nhỏ.

Sau đó, bạn đi phơi su hào trên tấm bạt sạch ( hoặc bất kì đâu những đảm bảo sạch sẽ, không ruồi nhặng). Bạn phơi khoảng 2 đến 3 ngày dưới trời nắng to là đã thành công và chỉ việc bỏ vào hủ rồi bảo quản thôi.

Tác dụng của su hào đối với sức khỏe

Thành phần dinh dưỡng trong su hào

Theo USDA thông tin dinh dưỡng của 135 gram su hào sống cung cấp:

Lượng calo: 36

Carb: 8gram

Chất xơ: 5 gam

Chất đạm: 2 gam

Vitamin C: 93% giá trị hàng ngày (DV)

Vitamin B6: 12% DV

Kali: 10% DV

Magie: 6% DV

Mangan: 8% DV

Folate: 5% DV

Chứa nhiều chất chống oxy hóa

Su hào có chứa nhiều chất chống oxy hóa , chẳng hạn như vitamin C, anthocyanins, isothiocyanates và glucosinolates. Đây là những hợp chất thực vật bảo vệ tế bào chống lại tác hại của các gốc tự do có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Chế độ ăn uống nhiều rau giàu chất chống oxy hóa như su hào có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh chuyển hóa và tử vong sớm.

Vỏ của su hào tím chứa anthocyanins, một loại flavonoid giúp rau và trái cây có màu đỏ, tím hoặc xanh. Theo NCBI, ăn nhiều anthocyanins có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và suy giảm tinh thần.

Tăng sức khỏe hệ tiêu hóa

Su hào có nhiều chất xơ và cung cấp khoảng 17% nhu cầu chất xơ hàng ngày của một người trưởng thành với 135gram su hào.

Ngoài ra, su hào còn chứa chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ không hòa tan không bị phân hủy trong ruột, giúp bổ sung khối lượng, tạo độ xốp cho phân và thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên.

Theo NCBI Hoa Kỳ, chất xơ là nguồn nhiên liệu chính của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh, chẳng hạn như Bifidobacteria và Lactobacilli. Những vi khuẩn này tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, giúp nuôi dưỡng các tế bào trong ruột và có thể bảo vệ chống lại bệnh tim, béo phì.